Sử dụng vốn vay không đúng mục đích có phạm tội?
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp cá nhân có hành sử dụng khoản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tiền thì có thể bị dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tại Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 có hướng dẫn một số quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. So với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Như vậy:
- Trường hợp người sử dụng vốn vay vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy...) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại...) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự.
- Trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản...) thì bị xử lí trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Do đó: Trường hợp bạn có vay ngân hàng một số tiền để sử dụng vào mục đích kinh doanh (ghi trên hợp đồng vay). Nhưng khi được ngân hàng giải ngân, bạn không dùng số tiền đó để kinh doanh mà dùng để xây nhà. Nay ngân hàng kiểm tra tình hình sử dụng khoản vay thì phát hiện như trên và yêu cầu bạn phải trả ngay khoản vay, nhưng bạn không đã mất khả năng chi trả. Căn cứ theo như thông tin bạn cung cấp như thên thì chưa đủ cơ sở để xác định hành vi của bạn có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chỉ trường hợp bạn sử dụng số vốn vay để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy..., và hiện tại bạn đã mất khả năng chi trả khoản vay trên thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật