Tòa án không thụ lý đơn ly hôn có trái pháp luật?

Vợ chồng tôi làm đám cưới từ năm 1999, nhưng không có đăng ký kết hôn. Nhưng các giấy tờ con cái đều xác định chúng tôi là vợ chồng. Thời gian qua, trong qua, vợ chồng tôi phát sinh mâu thuẫn không hàn găn được nên có làm đơn gửi tòa án yêu cầu ly hôn nhưng Tòa án không nhận đơn với lý do vì chúng tôi không đăng ký kết hôn nên không được xem là vợ chồng theo pháp luật nên Tòa không thụ lý đơn ly hôn được. Xin cho hỏi, Tòa trả lời với chúng tôi như vậy là đúng hay sai? Có đúng pháp luật không ạ?

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc kết hôn không được đăng ký theo quy định của pháp luật thì không có giá trị pháp lý.

Trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật mà chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Do đó: Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật vì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 thì nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì vợ chồng bạn làm đám cưới từ năm 1999, nhưng đến thời điểm hiện tại, hai người vẫn chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên việc kết hôn của vợ chồng bạn về mặt pháp lý không có giá trị - Đồng nghĩa, pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng của vợ chồng bạn.

Do đó: Khi vợ chồng bận phát sinh mâu thuẫn không hàn gắn được, phải làm đơn gửi Tòa án yêu cầu ly hôn nhưng Tòa án không nhận đơn với lý do vì các bạn không đăng ký kết hôn nên không được xem là vợ chồng theo pháp luật nên Tòa không thụ lý đơn ly hôn được là phù hợp với quy định của pháp luật kể trên.

Trường hợp này, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau về quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng khác (nếu có), trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2015 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong đó, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bạn và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào