Bán hàng fake online có bị phạt không?
Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về hàng giả là hàng hóa như sau:
- Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
- Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Tem, nhãn, bao bì giả.
Như vậy, hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn, nơi sản xuất cũng được coi là hàng giả. Do đó, những túi xách của bạn nhái tên thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng là hàng giả.
Do đó, hành vi của bạn có thể chịu những trách nhiệm pháp lý sau:
1. Trách nhiệm hành chính vì hành vi kinh doanh hàng giả: Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tùy thuộc vào yếu tố nào bị làm giả, như hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì có những mức phạt khác nhau.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Trách nhiệm hình sự:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng giả, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:
- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm: có tổ chức; có tính chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh nghĩa cơ quan; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng…
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 7 đến 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên…
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân