Phòng và chống trộm thế nào cho đúng luật?
1. Không nên đặt bẫy điện để phòng trộm:
Việc phòng ngừa trộm cắp là việc làm cần thiết, song các biện pháp chống trộm phải phù hợp với quy định của pháp luật. Đặt bẫy điện để chống trộm là hành vi khá nguy hiểm và thực tế cũng đã xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc, thậm chí gây thiệt hại đến tính mạng của người khác. Khoản 7 Điều 7 Luật Điện lực 2004 nghiêm cấm hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này. Lỗi vi phạm về việc đặt bẫy điện tùy tính chất, mức độ bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Không nên đánh trộm:
Việc tự ý vào nhà người khác là phạm pháp, vào để trộm cắp tài sản thì càng không được. Nhưng như vậy không có nghĩa là bắt được trộm thì chủ nhà được quyền đánh đập. Dù là kẻ trộm, họ vẫn được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ.
Tuy nhiên có những trường hợp dù không muốn, người phát hiện kẻ trộm vẫn buộc phải dùng vũ lực để khống chế. Đó khi kẻ trộm kháng cự hoặc hành hung để tẩu thoát hoặc có những hành vi nguy hiểm đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ. Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết với hành vi xâm hại và không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Những nội dung này được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 về Phòng vệ chính đáng.
3. Không nên la hét khi phát hiện ra kẻ trộm:
Khi phát hiện có trộm bạn nên nghe ngóng, quan sát để quyết định làm gì tiếp theo.
- Nếu trộm chưa vào nhà, bạn nên bật đèn, gọi người nhà dậy.
- Nếu ở nhà một mình nên đóng chặt cửa phòng, vờ gọi người bên cạnh.
- Trong trường hợp trộm đột nhập phòng ngủ, cách an toàn nhất là giả vờ ngủ, không nên mạo hiểm đuổi bắt.
- Nếu khi về nhà phát hiện có trộm thì không vào nữa, bạn nên gọi điện báo cho công an hoặc ban quản lý khu nhà.
4. Nghe theo lời yêu cầu khi bị kẻ trộm khống chế:
Khi bị khống chế, bạn cần phải bình tĩnh nhận định tình hình, nghe theo yêu cầu của kẻ trộm để bảo bảm an toàn tính mạng, sức khỏe. Nếu có thể, bạn nên ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của trên trộm, không nên chống trả trực tiếp trừ khi có khả năng phòng vệ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi bản thân bị xâm hại đến lợi ích chính đáng thì bạn có quyền phòng vệ tương ứng với mức độ bị tấn công. Tuy nhiên, nếu chưa phải là biện pháp cuối cùng thì nên hạn chế việc tấn công lại kẻ trộm để tránh bị kẻ trộm làm nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc vì quá nóng giận mà vượt qua mức phòng vệ chính đáng. Nếu bị khống chế, bạn nên ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của kẻ trộm rồi bí mật kêu gọi người ứng cứu.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân