Công ty không ký lại hợp đồng có phải bồi thường?

Hợp đồng lao động của tôi với công ty bị Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ do toàn bộ do công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm. Nhưng khi tôi yêu cầu công ty ký lại hợp đồng thì công ty không ký nữa. Vậy trong trường hợp này tôi có thể yêu cầu công ty bồi thường và công ty có nghĩa vụ phải trả cho tôi không?

Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;

- Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;

- Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;

- Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

Do đó: Trường hợp công việc mà bạn với công ty đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm - thuộc trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ theo quy định của pháp luật, nên hợp đồng bị Tòa án nhân dân tuyên vô hiệu toàn bộ là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định 44/2013/NĐ-CP thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp không giao kết được hợp đồng lao động mới thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

Do đó: Khi hợp đồng giữa bạn và công ty bị Tòa án tuyên vô hiệu, thì bạn và công ty có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì khi bạn yêu cầu công ty ký lại hợp đồng thì công ty không ký nữa.

Nên trong trường hợp này, bạn có quyền yêu cầu công ty trả cho bạn một khoản tiền, khoản tiền này sẽ do bạn với công ty tự thỏa thuận với nhau nhưng, ít nhất mỗi năm mà bạn đã làm việc cho công ty sẽ bằng một tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm hợp đồng vô hiệu.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay cụ thể như sau:

- Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;

- Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;

- Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;

- Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Ví dụ: Bạn làm việc ở công ty được 3 năm tại vùng 1, thì khoản tiền mà công ty phải trả cho bạn trong trường hợp này ít nhất là 12.540.000 đồng.

Trường hợp công ty không trả cho bạn khoản tiền này thì bạn có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân nơi công ty đặt trụ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào