Hộ kinh doanh đóng thuế TNCN, GTGT như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh bao gồm cả một số trường hợp sau:
- Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
- Làm đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
- Hợp tác kinh doanh với tổ chức.
- Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế;
Do đó: Đối với trường hợp bạn và một số người bạn cùng nhau thành lập hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nem chả đặc sản tại địa phương từ tháng đầu tháng 5/2019 - thuộc trường hợp sản xuất, kinh doanh phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Nên hộ kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh trên facebook theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng.
Mặt khác, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ kinh doanh không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.
Do đó: Đối với trường hợp bạn và một số người bạn cùng nhau thành lập hộ kinh doanh sản xuất nem chả đặc sản tại địa phương từ tháng đầu tháng 5/2019, Vì làm ăn có tính thời vụ nên dự kiến, hàng tháng doanh thu sẽ đạt vào khoảng từ 10 - 12 triệu/tháng, tính đến cuối năm thì được khoản 80 triệu đến 96 triệu/năm 2019 - tính trong khoản thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2019.
Đồng nghĩa, nếu hoạt động trọn năm 2019 (từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019) thì doanh thu cảu hộ kinh doanh đạt từ 100 triệu đến 124 triệu đồng/năm (trên 100 triệu đồng/năm).
Nên năm 2019, hộ kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trên khoản doanh thu từ 80 triệu đến 96 triệu theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
Do đó: Hộ kinh doanh của bạn có thể chọn ra một người đại diện duy nhất của hộ kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với khoản doanh thu từ 80 triệu đến 96 triệu của hộ kinh doanh phát sinh trong năm 2019 theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật