Xử phạt hành vi để chậu cảnh lấn chiếm lòng đường
Khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
Khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nghiêm cấm hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
Khoản 2 Mục II Thông tư 04/2008/TT-BXD quy định hè (hay vỉa hè, hè phố): là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Khoản 2, 3 Mục III Thông tư số 04/2008/TT-BXD cũng quy định nguyên tắc chung quản lý đường đô thị như sau: bảo đảm hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ. Và khi sử dụng hoặc tạm thời sử dụng một phần đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Như vậy, vỉa hè là để phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và không được đặt, để chướng ngại vật, sử dụng trái phép. Việc đặt chậu hoa, cây cảnh trên vỉa hè (hè phố) có thể bị coi là “hoạt động khác gây cản trở giao thông” và bị xử phạt theo quy định tại theo Điểm b Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng, từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố. Theo Khoản 9 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc di dời cây trồng trái phép, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân