Có giấy tái khám có cần xin giấy chuyển viện không?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế, có quy định:
Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Và cũng tại Mục II Công văn 978/BYT-BH năm 2016 có quy định:
Để đảm bảo việc sử dụng Giấy hẹn khám lại theo quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với thực tế, giảm phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT, thuận lợi cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời kiểm soát hiệu quả việc sử dụng quỹ BHYT, tránh lạm dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, Ngành chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện như sau:
1. Thống nhất thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật BHYT quy định “Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Phổ biến đầy đủ nội dung Thông tư 40/2015/TT-BYT, bảo đảm tất cả công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiểu đầy đủ và chính xác thông tin được ghi trong giấy hẹn khám lại.
2. Thực hiện việc hẹn khám lại phù hợp với yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; không lạm dụng, gây phiền hà cho người bệnh trong việc hẹn khám lại, đặc biệt là các trường hợp đã xác định rõ tuyến trước đã thực hiện được việc khám bệnh, chữa bệnh.
3. Về tổ chức thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
a) Để giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi của người bệnh, căn cứ vào quy mô hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc bệnh viện có thể ủy quyền hoặc giao cho lãnh đạo các khoa, phòng chức năng đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc ký và đóng dấu trên Giấy hẹn khám lại;
b) Giảm thiểu các trường hợp phải sử dụng Giấy hẹn khám lại như trường hợp người bệnh là người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, người bệnh đã có Giấy chuyển tuyến có giá trị đến hết năm dương lịch theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT;
c) Đối với bệnh nhân nội trú, khi cấp Giấy ra viện, nếu cần khám lại thì cấp đồng thời Giấy hẹn khám lại;
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đồng thời bố trí khu vực thực hiện các thủ tục hành chính phù hợp, thuận lợi cho người bệnh và chỉ đạo các khoa, phòng liên quan phối hợp với cán bộ giám định BHYT tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
=> Như vậy, theo quy định trên thì người bệnh thực hiện việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nếu bạn đã có hẹn tái khám của bác sĩ. Khi thực hiện việc khám chữa bệnh bạn chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có hình và giấy hẹn tái khám của bác sĩ bạn sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế đúng tuyến. Bạn không cần thực hiện xin giấy chuyển tuyến.
Khi đi bạn nên mang theo sổ theo dõi khám chữa bệnh hoặc hồ sơ bệnh án trước đó để bác sĩ thuận tiện hơn trong việc thăm khám.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật