Cửa hàng ngừng bán xăng dầu, chờ tăng giá có bị xử phạt?
Căn cứ Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về hành vi găm hàng như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:
a) Cắt giảm địa điểm bán hàng;
b) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó;
c) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó;
d) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:
a) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;
b) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;
c) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;
d) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Đồng thời Điểm a, b Khoản 1 Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP có nội dung như sau:
a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;
b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
Thực tế cho thấy xăng dầu là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá của nhà nước do luôn có quỹ bình ổn giá xăng dầu sử dụng Ngân sách nhà nước, đồng thời đây là danh mục hàng hóa được định giá theo quy định của nhà nước theo từng thời điểm. Do đó có thể xác định hành vi cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường hoặc ngừng bán của các cửa hàng xăng dầu là hành vi găm hàng vi phạm pháp luật. Từ đó có thể xác định mức phạt đối với hành vi trên là phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Nếu xét thấy lượng hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề tại các cửa hàng xăng dầu thì mức xử phạt tối đa là 30 triệu đồng và các hình phạt bổ sung khác.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật