Có được xây nhà trên đất dịch vụ công ích thuê của xã?
Theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013 thì:
- Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích sau đây:
+ Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định trên đây;
+ Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
- Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.
==> Như bạn trình bày ở trên thì gia đình bạn thuê đất dịch vụ công ích của xã để sản xuất nông nghiệp. Như vậy mục đích sử dụng đất là sản xuất nông nghiệp. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích. Do đó, hành vi xây nhà trên đất dịch vụ công ích thuê của xã là vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì:
- Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
+ Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật