Xử lý khi công ty không cho nghỉ việc

Xin chào anh chị! Tôi có vấn đề thắc mắc, mong nhận được giải đáp từ anh chị như sau. Anh Hoàng đã làm việc cho công ty được 05 năm theo hợp đồng không xác định thời hạn. Nay anh muốn xin nghỉ việc nhưng công ty không nhận đơn xin nghỉ việc của anh. Công ty còn dọa sẽ không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh. Vậy anh Hoàng nên làm thế nào để có thể nghỉ việc và đảm bảo quyền lợi của mình? Rất mong nhận được phản hồi từ anh chị. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe anh chị!

- Thứ nhất, về chấm dứt hợp đồng lao động: Theo Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn như sau:

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Như vậy, trường hợp của anh Hoàng bạn việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng anh phải thông báo cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày. Dù pháp luật không quy định về hình thức thông báo nhưng để bảo đảm việc chấm dứt hợp đồng lao động của bạn là đúng quy định pháp luật, bạn nên gửi thông báo bằng văn bản. Trong đó, ghi rõ nội dung đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thời điểm sẽ chính thức nghỉ việc và yêu cầu người hoặc phòng/ban có thẩm quyền phụ trách xác nhận việc nhận thông báo của bạn.

- Thứ hai, về việc giữ sổ bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có quyền được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm cả trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như trường hợp của anh Hoàng, công ty cũng phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho anh. Nếu công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh Hoàng thì công ty đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.

Nếu anh Hoàng có đầy đủ bằng chứng chứng minh phía công ty thiếu trách nhiệm, cố tình chậm trễ việc trả sổ bảo hiểm xã hội, chốt sổ bảo hiểm xã hội thì anh có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32; Điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Do đó, anh Hoàng có thể nộp đơn khởi kiện công ty về việc chậm trả sổ bảo hiểm xã hội đến tòa án để giải quyết quyền lợi cho mình.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chấm dứt hợp đồng lao động

Nguyễn Thị Ân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào