Có được từ chối góp thêm vốn vào công ty không?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ theo một trong các hình thức sau đây:
(1) Tăng vốn góp của thành viên;
(2) Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2014 thì trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện tăng vốn điều lệ theo hình thức tăng vốn góp của thành viên thì thực hiện như sau:
- Vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.
Ví dụ: Công ty có 2 thành viên năm tỷ lệ phần vốn góp vào công ty tương ứng 60% (đối với cá nhân A) và 40% (đối với tổ chức B). Công ty quyết định tăng vốn điều lệ thêm 3 tỷ đồng, thì khi đó, A sẽ góp thêm 1,8 tỷ và B sẽ góp thêm 1,2 tỷ nếu các bên không có thỏa thuận khác.
- Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định của pháp luật.
- Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ không phải góp thêm vốn điều lệ nếu đã phản đối quyết định tăng vốn điều lệ của công ty.
Trong trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
Do đó: Đối với trường hợp bạn có mâu thuẫn nội bộ với các thành viên khác trong công ty nên đã biểu quyết không tán thành quyết định tăng vốn điều lệ của công ty, nhưng quyết định đó vẫn được thông qua. Nên trong trường hợp này bạn có thể lựa chọn là góp hoặc không góp thêm vốn điều lệ. Trường hợp bạn lựa chọn không góp thêm thì phần vốn góp thêm của bạn sẽ chia cho các thành viên khác.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật