Có được ủy quyền cho người ngoài ký hợp đồng của công ty?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Công ty phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Do đó: Đối với trường hợp bạn hiện đang là chủ sở hữu đồng thời kiêm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng được thành lập và hoạt động tại Việt Nam mà phải ra nước ngoai để thỏa thuận hợp tác với đối tác bên đó trong một khoản thời gian thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.
Mặt khác, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì việc ủy quyền được xem là một giao dịch dân sự về sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Việc ủy quyền có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Do đó: Trường hợp bạn ra nước ngoài để thỏa thuận hợp tác với đối tác bên đó, thì bạn có thể ủy quyền cho vợ của bạn (dù vợ của bạn có hay không có làm trong công ty) ký mọi hợp đồng phát sinh trong thời gian bạn đi vắng thay bạn nếu không vi phạm các quy định trên thì hoàn toàn có giá trị pháp lý.
Bạn cần chú ý, việc ủy quyền phải lập thành văn bản (là yêu cầu bắt buộc), bạn cần xác định cụ thể phạm vi công việc cụ thể được ủy quyền, thời hạn ủy quyền cụ thể để tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thực hiện ủy quyền.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật