Người bị bắt từ chối thì luật sư có được bào chữa không?
Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì:
Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.
Do đó, theo quy định trên và quy định tại Thông tư 70/2011/TT-BCA thì người bị tạm giữ có quyền nhờ luật sư bào chữa và luật sư được tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ kể từ khi bị bắt giữ.
Bên cạnh đó, điểm b mục 2 phần II Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP thì quy định về việc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo như sau:Đối với bị can, bị cáo là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa; do đó, trong trường hợp người thân thích của họ hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ, thì cần phân biệt như sau:
- Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa đã có sự đồng ý (hoặc sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì Tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa;
- Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa chưa có sự đồng ý (hoặc không có sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì Tòa án yêu cầu người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người khác thực hiện việc lựa chọn người bào chữa phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo. Tòa án cũng có thể thông báo cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam biết việc người thân thích của họ hoặc người khác đã lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ và hỏi họ có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì Tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để người bào chữa thực hiện việc bào chữa.
Như vậy, trong trường hợp bạn nêu ra, mặc dù chị Hương mời luật sư bào chữa nhưng chồng chị (người bị tạm giam) từ chối nên luật sư vẫn không được tham gia bào chữa.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân