Có phải cấp dưỡng cho vợ sau khi ly hôn?
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng được quy định tại Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:
Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Theo quy định nêu trên, nếu sau khi ly hôn, vợ bạn gặp khó khăn, túng thiếu (việc vợ bạn không có việc làm là căn cứ chứng minh cho sự khó khăn và túng thiếu), đồng thời muốn nhận cấp dưỡng từ bạn, thì bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Về mức cấp dưỡng: Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng cho vợ hoặc chồng sau khi ly hôn như sau:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, theo quy định của luật này thì sẽ phụ thuộc sự thỏa thuận giữa bên cấp dưỡng và bên nhận cấp dưỡng. Căn cứ để tính cấp dưỡng phụ thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của bạn và nhu cầu thiết yếu của người nhận cấp dưỡng là vợ bạn. Như vậy, lúc này việc cấp dưỡng sẽ phụ thuộc vào khả năng của bạn, do đó việc bạn có tài sản riêng là căn cứ để xét về khả năng và thu nhập. Nếu khi ly hôn mà vợ bạn yêu cầu được cấp dưỡng và đáp ứng được điều kiện theo quy định thì việc bạn có tài sản riêng cũng là căn cứ để chứng minh khả năng kinh tế của bạn để thực hiện việc cấp dưỡng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân