Muốn kháng án khi đã xử phúc thẩm

Gia đình tôi có người bị tai nạn giao thông đã chết. Tòa án tối cao đã xét xử phúc thẩm nhưng chúng tôi thấy chưa thỏa đáng, muốn xin xử lại thì phải làm sao? Nguyễn Bá Thiết

 

- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Do vậy, theo quy định tại điều 20 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), bản án không bị kháng cáo mà chỉ có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc có tình tiết mới. Do vụ án của gia đình ông đã được xét xử phúc thẩm nên gia đình ông không có quyền kháng cáo nữa. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 273, điều 274, khoản 1 điều 275 BLTTHS, ông có thể thông báo cho những người có quyền kháng nghị là chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện bản án đó có vi phạm pháp luật theo một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ.

2. Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử.

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Về thời hạn kháng nghị, điều 278 BLTTHS đã quy định việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thời hạn là ba năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì trước khi hết thời hạn kháng nghị, người có quyền kháng nghị có trách nhiệm trả lời cho gia đình ông biết rõ lý do của việc không kháng nghị.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào