Kiểm tra, kiểm soát trực tuyến nội bộ việc thực hiện thủ tục hải quan
Kiểm tra, kiểm soát trực tuyến nội bộ việc thực hiện thủ tục hải quan được quy định tại Điều 6 Quyết định 4398/QĐ-TCHQ năm 2016 về Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, cụ thể như sau:
1. Căn cứ các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trong phạm vi, địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan đã được khai báo trên các Hệ thống thông tin của ngành hải quan, Hệ thống camera giám sát, định vị GPS, hình ảnh máy soi container, máy soi hành lý, thông tin từ đường dây nóng của cơ quan hải quan và tình hình thực tế (khối lượng công việc, nhân lực, đặc thù địa bàn, hàng hóa, ...), Chi cục trưởng Chi cục Hải quan hoặc người được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phân công thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngay tại thời điểm phát sinh các thông tin nêu trên theo nguyên tắc xác định đối tượng trọng tâm, trọng điểm hoặc kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các hoạt động thuộc phạm vi, địa bàn quản lý của Chi cục.
Trường hợp không thể thực hiện ngay do phát sinh ngoài giờ hành chính, trong ngày nghỉ, ngày lễ thì phải thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ chậm nhất trong ngày làm việc kế tiếp ngày phát sinh.
2. Nội dung kiểm tra, kiểm soát nội bộ
a) Đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (bao gồm cả tiếp nhận và xử lý thông tin e-manifest trước 24 giờ):
a.1) Kiểm tra việc thực hiện thủ tục đã theo đúng các quy định, quy trình, bao gồm:
a.1.1) Thời hạn thực hiện thủ tục của công chức hải quan;
a.1.2) Thời hạn cung cấp thông tin e-manifest theo quy định của pháp luật (trước khi phương tiện vận tải cập cảng).
a.2) Kiểm tra việc phân tích, xử lý thông tin manifest của cán bộ, công chức hải quan (đảm bảo thông tin do hãng vận chuyển cung cấp đầy đủ, chi tiết và xác định được hàng hóa trọng điểm cần tập trung kiểm tra, kiểm soát);
a.3) Kiểm tra việc xác định danh sách container để soi chiếu trong quá trình xếp dỡ hàng hóa tại cửa khẩu phù hợp với các tiêu chí thiết lập;
a.4) Kiểm tra việc thực hiện soi chiếu và ghi nhận kết quả kiểm tra, việc sử dụng kết quả cho các khâu nghiệp vụ tiếp theo.
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
b.1) Kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan theo các quy định, quy trình, bao gồm:
b.1.1) Thời hạn thực hiện thủ tục hải quan: kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan;
b.1.2) Việc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung chứng từ: các trường hợp yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các chứng từ ngoài quy định, việc yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng từ giấy trong khi doanh nghiệp đã nộp hồ sơ điện tử, ...
b.1.3) Việc chuyển luồng, dừng đưa hàng qua KVGS: lí do, kết quả kiểm tra sau khi thực hiện việc chuyển luồng, dừng đưa hàng qua KVGS được cập nhật trên Hệ thống;
b.1.4) Tỷ lệ phân luồng hàng hóa: thay đổi bất thường, kết quả phát hiện vi phạm qua kiểm tra, đánh giá lại các tiêu chí phân luồng cấp Chi cục, việc thiết lập tiêu chí quản lý rủi ro của công chức;
b.1.5) Kiểm tra việc thực hiện chính sách quản lý hàng hóa: việc thực hiện thống nhất trong phạm vi Chi cục, đối với những mặt hàng trọng điểm về chính sách cần kiểm tra việc khai báo giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành của người khai hải quan và việc kiểm tra của công chức hải quan, việc đưa hàng về bảo quản, kiểm tra việc bảo quản hàng hóa.
b.1.6) Kiểm tra thực tế hàng hóa thông qua kiểm tra hình ảnh máy soi container, máy soi hành lý: kiểm tra lại kết quả phân tích hình ảnh của công chức soi chiếu đã chính xác hay chưa,...
b.1.7) Kiểm tra trị giá hải quan: Kiểm tra để phát hiện trường hợp mặt hàng có giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá của Tổng cục Hải quan nhưng chưa thực hiện việc đánh dấu nghi vấn, tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan, xác định trị giá hải quan theo quy định;
b.1.8) Kiểm tra, xác định tên hàng, mã số, mức thuế hàng hóa: Kiểm tra để phát hiện một mặt hàng khai báo nhiều mã HS khác nhau tại đơn vị hoặc giữa đơn vị với các Chi cục Hải quan khác; một mặt hàng có kết quả phân tích phân loại khác nhau giữa các Chi cục Kiểm định hải quan;
b.1.9) Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa: Việc chấp nhận hoặc bác bỏ nội dung khai báo xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp có phù hợp với các thông tin trên tờ khai hải quan, quy định tại các Hiệp định, Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
b.1.10) Kiểm tra việc thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
- Thực hiện miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật về thuế (Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản pháp luật có liên quan,...);
- Thực hiện nghĩa vụ thuế theo thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
- Thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế, thu hồi nợ thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, ...
b.1.11) Hàng hóa tạm nhập - tái xuất: kiểm soát được lượng tờ khai phát sinh, việc thực hiện chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa, lượng hàng, tờ khai quá hạn nhưng chưa tái xuất, theo dõi hàng hóa đã làm thủ tục hải quan đang vận chuyển đến cửa khẩu xuất, các biện pháp đã thực hiện trong công tác phối hợp truy tìm hàng hóa, ...
b.2) Kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan (vận chuyển độc lập):
b.2.1) Việc công chức hải quan thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế nội bộ (đã thực hiện nghiệp vụ BOA/BIA trên Hệ thống; việc sửa, hủy tờ khai, lí do sửa, hủy tờ khai; ...);
b.2.2) Giám sát hàng hóa vận chuyển độc lập: việc theo dõi hàng hóa vận chuyển, rà soát các tờ khai, lô hàng quá hạn vận chuyển nhưng chưa đến địa điểm đích,...
b.3) Giám sát hải quan:
b.3.1) Kiểm tra xác định hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan (đã có xác nhận hàng qua khu vực giám sát trên hệ thống) đã đáp ứng các điều kiện để hàng qua khu vực giám sát;
Trường hợp nối mạng trao đổi thông tin hàng đưa ra, đưa vào, lưu giữ trong khu vực giám sát với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thì kiểm tra, đối chiếu giữa lượng hàng đã đưa ra trên hệ thống của cảng với danh sách hàng đủ điều kiện đưa qua khu vực giám sát trên hệ thống của cơ quan hải quan (theo từng trạng thái tờ khai hải quan: thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, đưa hàng về địa điểm kiểm tra; phê duyệt tờ khai vận chuyển độc lập; hàng buộc tái xuất, tạm giữ phục vụ công tác điều tra...).
b.3.2) Theo dõi lượng hàng hóa đưa ra, đưa vào, lưu giữ theo thời gian thực, lượng hàng tồn quá thời hạn quy định chưa làm thủ tục hải quan hoặc thuộc diện hàng hóa tồn đọng chưa xử lý;
b.3.3) Kiểm tra, đối chiếu thông tin trên Hệ thống camera giám sát.
Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các nội dung nêu tại khoản 2 Điều này phải đảm bảo từng nội dung được thực hiện đúng quy trình và các quy định (ví dụ như thủ tục tàu, thủ tục đăng ký tờ khai, phân luồng, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra xác định trị giá hải quan, kiểm tra xác định tên hàng, mã số, mức thuế, quyết định thông quan/giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, đưa hàng qua khu vực giám sát...) nhưng cũng cần phải được kiểm tra gắn kết giữa các quy trình để đảm bảo một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cần được kiểm soát từ khi phát sinh thủ tục hải quan đến khi thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (ví dụ đối với hàng hóa nhập khẩu phải kết nối được thông tin phương tiện vận tải chuyển chở hàng hóa với thông tin manifest, thông tin đăng ký tờ khai, thông tin qua khu vực giám sát; đối với hàng hóa xuất khẩu phải kết nối được thông tin từ khi hàng hóa được đăng ký tờ khai đến khi hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan và xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh).
3. Xử lý kết quả kiểm tra
a) Trường hợp thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải được công chức thực hiện đúng quy trình, quy định thì tổng hợp để đưa vào báo cáo hàng ngày;
b) Trường hợp phát hiện công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải không đúng quy trình thì yêu cầu dừng việc xử lý trên Hệ thống và chỉ đạo công chức thực hiện đúng quy trình, đồng thời yêu cầu công chức giải trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm;
c) Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm (thông tin khai báo trên tờ khai hải quan không khớp với các thông tin có sẵn trên Hệ thống của cơ quan hải quan - ví dụ tên hàng trên tờ khai không phù hợp với thông tin khai báo trên e-manifest, mã HS không đúng với mô tả hàng hóa,...) hoặc dấu hiệu bất thường khi công chức đang xử lý tờ khai thì yêu cầu dừng việc xử lý tờ khai trên Hệ thống đồng thời yêu cầu báo cáo làm rõ. Trường hợp nội dung báo cáo hoặc các thông tin trên Hệ thống chưa đủ chứng minh dấu hiệu vi phạm hoặc dấu hiệu bất thường thì Chi cục trưởng Chi cục hải quan hoặc người được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phân công kiểm tra, kiểm soát nội bộ thực hiện cùng kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan hoặc cùng kiểm tra thực tế hàng hóa (trong trường hợp chưa thực hiện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra hàng hóa) hoặc thực hiện kiểm tra lại hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra lại hàng hóa (trong trường hợp đã thực hiện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa).
d) Trường hợp hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan có dấu hiệu vi phạm (như vi phạm về tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, ...) mà công chức hải quan không phát hiện hoặc có biện pháp xử lý kịp thời thì Chi cục trưởng Chi cục hải quan hoặc người được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phân công kiểm tra, kiểm soát nội bộ phải thông báo ngay cho Đội kiểm soát hải quan để truy tìm, xử lý; đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hải quan của công chức.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật