Trả thừa lương cho nhân viên
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 236 Bộ luật này cũng quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật như sau:
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, trong trường hợp này của bạn, việc bạn nhận được số tiền lương nhiều hơn mức mà bạn được nhận là 300.000 đồng được xem là “người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình”, vì đây không phải là hành vi cố ý của bạn mà là do sai sót của người có trách nhệm thực hiện công việc đó. Người kế toán sẽ bị xử lý theo quy định của công ty. Còn đối với bạn, do bạn chiếm hữu ngay tình chưa được 10 năm nên bạn phải hoàn lại cho công ty số tiền mà công ty đã chuyển nhầm, theo Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ hoàn trả:
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân