Đưa tiền cho bạn mua xe giùm nhưng không đòi lại được

Xin chào các anh chị! Tôi có một người bạn làm việc sửa chữa xe máy. Vì nghĩ bạn mình hiểu rành về xe nên tôi đã đưa cho bạn một số tiền là 65 triệu đồng để mua xe giùm tôi. Khi đưa tiền, tôi có viết giấy biên nhận và người bạn cùng người làm chứng đã đọc và ký vào đó. Tuy nhiên, đến giờ đã qua ngày hẹn mà người bạn của tôi vẫn chưa giao xe, cũng không trả tiền lại cho tôi. Tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình? Mong anh chị tư vấn giúp, xin cảm ơn!

 Xét trong trường hợp của bạn, bạn đã đưa tiền nhờ một người bạn mua xe cho mình. Mặc dù 2 bạn không lập hợp đồng nhưng dựa vào nội dung giấy biên nhận kia thì mối quan hệ giữa bạn và người bạn đó thực chất là một hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể quy định như sau:

Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 563. Thời hạn ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Theo thỏa thuận giữa bạn và người bạn kia, thì bạn đã đưa tiền và ủy quyền cho người đó thay mặt mình thực hiện việc mua xe trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp khi hết thời hạn ủy quyền mà người bạn đó vẫn chưa trả lại xe hay tiền cho bạn. Do đó, người bạn đó đã vi phạm thỏa thuận của 2 bên theo quy định tại Điều 565 Bộ luật này.

Để đảm bảo quyền lợi cho mình, bạn nên yêu cầu người bạn đó đưa xe hoặc trả lại tiền cho bạn. Nếu người bạn đó không có khả năng trả lại tài sản cho bạn, bạn có thể gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi người đó sinh sống. Lúc đó, giấy biên nhận có chữ ký của người bạn sẽ là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án giải quyết.

Trường hợp, người bạn đó không chỉ có hành vi không trả lại tiền, cũng không trả lại xe, mà còn có hành vi dùng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hay mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, như có hành vi trốn tránh, bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chặn liên lạc từ bạn…, hoặc sử dụng tài sản đó (tiền hoặc chiếc xe đã mua) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản như đánh bạc, chơi đề… Trường hợp này, người bạn của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể là chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Nếu thấy những dấu hiệu nêu trên, bạn nên thu thập các bằng chứng chứng minh và trình báo lên cơ quan công an để được kịp thời giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.

Trân trọng!

Nguyễn Thị Ân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào