Cho người quen nhập khẩu vào gia đình
Muốn nhập khẩu cho cháu của bạn thì phải xem điều kiện để nhập hộ khẩu tại các thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi năm 2013, cụ thể như sau:
Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;
Như vậy, dựa vào trường hợp của bạn thì bạn không thể nhập hộ khẩu cho người cháu bạn được vì không thuộc các trường hợp nêu trên cho dù đã có sự đồng ý của chủ hộ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi năm 2013 thì cá nhân sẽ được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi:
Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.
Do đó, bạn có thể đăng ký tạm trú cho cháu bạn, sau 02 năm thì có thể làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân