Nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngành công thương gồm những gì?
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngành công thương được quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2018/TT-BCT quy định về quản lý, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, theo đó:
Các nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và phù hợp với quy định hiện hành, thuộc các nội dung sau:
1. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền giao cho Bộ Công Thương chủ trì.
2. Xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường ngành công thương.
3. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với các quá trình sản xuất, phát thải đặc thù trong các lĩnh vực ngành công thương; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cho các sản phẩm hàng hóa nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Xây dựng và ban hành các tài liệu, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất thải, kiểm toán chất thải, quản lý môi trường của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lý; xây dựng và phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực công thương.
5. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường, xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành công thương, báo cáo tác động với môi trường của các lĩnh vực ngành công thương, báo cáo môi trường chuyên đề định kỳ và đột xuất.
6. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ngành công thương.
7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường; tổ chức khen thưởng công tác bảo vệ môi trường ngành công thương.
8. Hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định; vốn đối ứng các dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường (nếu có) và các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
9. Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do các cấp có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao (nếu có).
Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngành công thương. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 23/2018/TT-BCT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật