Được công ty đóng bảo hiểm thân thể có phải nộp thuế TNCN?
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) thì khoản thu nhập của cá nhân từ tiền lương, tiền công thuộc đối tượng phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
Trong đó, Theo quy định tại Điểm đ.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), ... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.
Như vậy: Để xác định khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động có phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không thì còn tùy thuộc vào loại bảo hiểm nhân thọ mà người sử dụng lao động tham gia cho người lao động của mình, cụ thể như sau:
- Trường hợp 1: Nếu việc người sử dụng lao động có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động mà có tích lũy về phí bảo hiểm, thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
- Trường hợp 2: Nếu việc người sử dụng lao động có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động mà không có tích lũy về phí bảo hiểm, thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Do đó: Đối với trường hợp bạn đi làm công nhân xây dựng cho công ty và được công ty mua bảo hiểm thân thể với số tiền bảo hiểm là 2,5 triệu đồng/người, tất cả các công nhân trong công trường đều được công ty mua hết, nếu việc mua bảo hiểm thân thể trong trường hợp này có tích lũy về phí bảo hiểm thì khoản tiền 2,5 triệu này sẽ được cộng vào tiền lương, tiền công hàng tháng của bạn và các công nhân khác để tính, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Còn nếu việc mua bảo hiểm thân thể trong trường hợp này không có tích lũy về phí bảo hiểm thì bạn và các công nhân khác không phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền 2,5 triệu này.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật