Góp vốn bằng phần mềm nhưng không lập văn bản, giải quyết ra sao khi tranh chấp?
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 4 Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định về đối tượng chuyển giao như sau:
- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
Như vậy có thể xác định rằng việc góp vốn bằng phần mềm của ông được điều chỉnh bởi Luật chuyển giao công nghệ 2017.
Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định về hình thức chuyển giao công nghệ như sau:
Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư;
b) Góp vốn bằng công nghệ;
c) Nhượng quyền thương mại;
d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.
Đồng thời căn cứ Điều 22 Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định về giao kết chuyển giao công nghệ như sau:
1. Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.
2. Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.
3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ được giao kết và thực hiện theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, hình thức chuyển giao công nghệ thông qua góp vốn của ông phải được lập thành văn bản và hợp đồng này sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp này, do không lập thành văn bản nên có thể căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức như sau:
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Như vậy, việc giao dịch giữa ông và ông Trung nhiều khả năng sẽ bị tuyên vô hiệu. Tuy nhiên do ông đã thiết lập toàn bộ phần mềm vào hệ thống, điều này làm căn cứ thể hiện ông đã thực hiện hơn 2/3 công việc theo luật định. Với những căn cứ này thì hiệu lực của giao dịch này sẽ được công nhận.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật