Học tại chức đại học có được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp?
Thứ nhất, không còn phân biệt bằng chính quy và bằng tại chức
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 (có hiệu lực ngày 01/07/2019) như sau:
“Điều 38. Văn bằng giáo dục đại học
1. Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
2. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng."
Như vậy, đã không còn có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Theo đó, quy định này được hiểu là bằng chính quy với bằng tại chức, bằng từ xa, bằng liên thông, văn bằng 2 là tương đương nhau.
Thứ hai, đối với trường hợp của bạn làm việc tại bệnh viện ở Hải Dương thì bạn làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó chúng tôi hiểu rằng bạn là viên chức. Đối với công chức thì bậc lương được xếp theo ngạch, đối với viên chức bậc lương được xếp theo chức danh nghề nghiệp.
Thứ ba, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối của viên chức
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định 29/2012/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP như sau:
"1. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức được thực hiện như sau:
a) Khi chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng phải thực hiện thông qua việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp;
b) Khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp."
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP thì:
“Điều 30. Phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức
1. Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với chức danh tương đương chuyên viên cao cấp
Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung đề án.
2. Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với chức danh tương đương chuyên viên chính
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung đề án.
3. Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với chức danh tương đương cán sự, chuyên viên
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định việc phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và của các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật.”
Kết luận, theo quy định hiện nay không phân biệt giữa bằng đại học chính quy hay bằng tại chức. Do đó, khi bạn đã hoàn thành chương trình học theo hệ vừa học vừa làm của mình thì bạn có thể tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức theo quy định trên.
Trên đây là ý kiến hỗ trợ của chúng tôi đối với yêu cầu của bạn.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc