Bản sao có giá trị pháp lý trong thời hạn bao lâu?
Tại Điều 5 Luật công chứng 2014, có quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:
- Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.
Và tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, có quy định:
- Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
=> Theo như những quy định trên thì pháp luật không có quy định về thời hạn của bản sao đã được công chứng hay chứng thực.
Nhưng trên thực tế, thì hiện tại có một số giấy tờ được công chứng, chứng thực có thời hạn. Ví dụ như. Chứng minh nhân dân có thời hạn 15 năm, nhưng cũng có một số giấy tờ, văn bằng, tài liệu không có thời hạn sử dụng như Bằng tốt nghiệp. Giấy khai sinh... Vậy nên đối với những giấy tờ này nếu bản chính đang có thời hạn thì bản sao của nó vẫn có giá trị. Nhưng tại một số cơ quan, đơn vị có yêu cầu bản sao phải được cấp trong một thời hạn nhất định mới có giá trị pháp lý, thì đây là quy chế, yêu cầu của đơn vị pháp luật không điều chỉnh vấn đề này.
Bạn có thể tham khảo: Giá trị pháp lý của bản sao giấy khai sinh.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật