Nên ký hợp đồng nào với lao động cao tuổi?
Căn cứ: Bộ luật Lao động 2012, Nghị định 05/2015/NĐ-CP, Nghị định 148/2018/NĐ-CP, Thông tư 14/2013/TT-BYT
Hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
2. Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể về loại hợp đồng mà công ty có thể ký kết với lao động cao tuổi. Do đó, có thể hiểu công ty có thể ký kết một trong ba loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động mùa vụ.
Tuy nhiên, như đã trình bày thì lao động cao tuổi cần đảm bảo sức khỏe khi giao kết hợp đồng và người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Vấn đề này sẽ được chứng minh thông qua giấy khám sức khỏe.
Theo Khoản 3 Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT thì thông thường Giấy KSK có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe.
Chính vì vậy, khi có nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi, công ty nên cân nhắc và xem xét ký kết loại hợp đồng xác định thời hạn với thời hạn tối đa không quá 12 tháng cho từng lần để đảm bảo điều kiện về sức khỏe của người lao động cao tuổi. Khi hết thời hạn 12 tháng, nếu lao động cao tuổi vẫn đảm bảo sức khỏe làm việc theo giấy khám sức khỏe thì công ty có thể tiếp tục kéo dài thời hạn hợp đồng.
Trân trọng!