Đến đâu để công chứng hợp đồng mua bán đất?
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp của mình khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ). Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tại Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 có quy định:
"Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;"
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực (trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản) thì mới được xem là hợp pháp và có giá trị pháp luật.
Đồng nghĩa, trường hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng hoặc chứng thực thì bị xem là vô hiệu về mặt hình thức (theo quy định của Bộ luật dân sự 2015), nên không được xem là hợp pháp và không có giá trị pháp luật.
Đối với trường hợp bạn là người ở tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp và có người bạn bạn cũng ở quê lên đây sinh sống trước bạn vài năm. Bạn của bạn có một mảnh đất ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh muốn bán để chuyển hẳn về quê sinh sống, nên bạn đã đề nghị mua lại.
Do đó: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hay còn gọi là hợp đồng mua bán đất) giữa bạn và người bạn của mình phải được công chứng/chứng thực thì mới có giá trị pháp luật.
Mặt khác, theo ghi nhận của chúng tôi theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng/ Văn phòng công chứng) có trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất thực hiện công chứng (đối với trường hợp công chứng) hoặc do Ủy ban nhân dân xã, phương, thị trấn nơi có đất thực hiện chứng thực (đối với trường hợp chứng thực).
Do đó: Đối với trường hợp bạn là người ở tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp và có người bạn bạn cũng ở quê lên đây sinh sống trước bạn vài năm. Bạn của bạn có một mảnh đất ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh muốn bán để chuyển hẳn về quê sinh sống, nên bạn đã đề nghị mua lại, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bạn và người bạn của mình phải được thực hiện công chứng/chứng thực tại nơi có đất (tức tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Các bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau:
(1) Thực hiện công chứng hợp đồng tại Phòng công chứng/ Văn phòng công chứng có trụ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Thực hiện chứng thực hợp đồng tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng nghĩa: Bạn và người bạn của mình không thể ra văn phòng công chứng ở quê để làm thủ tục công chứng đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật