Người làm chứng khai báo gian dối dẫn đến oan sai có phạm tội?

Xin cho hỏi: Trường hợp một người là người làm chứng trực tiếp của một vụ án hình sự, nhưng vì bị đe dọa đến tính mạng của mình và gia đình mình bị ép phải khai theo hướng bất lợi cho người đang bị Tòa xét xử, dẫn đến người đó bị phạt tù oan thì sau này nếu người đó kêu oan thành con thì người đã làm chứng nhưng khai gian dối có bị truy cứu tội không?

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng phải trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Trường hợp người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, theo quy định tại Điều 382 Bộ luật hình sự 2015 thì người làm chứng khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.

Tùy vào từng tường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm tôi có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó: Trường hợp một người là người làm chứng trực tiếp của một vụ án hình sự, nhưng vì bị đe dọa đến tính mạng của mình và gia đình mình bị ép phải khai theo hướng bất lợi cho người đang bị Tòa xét xử, dẫn đến người đó bị phạt tù oan, mà sau này bị phát hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối với hình phạt tối đa lên đến 07 năm tù.

Mà theo quy định tại Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người làm chứng có quyền:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Do đó: Trường hợp người làm chứng có cơ sở để xác định tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình và gia đình mình bị đe dọa nếu tham gia làm chứng hoặc khai báo trung thực khi làm chứng thì có thể yêu cầu Tòa án, Cơ quan điều tra, Công an,... tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để bảo vệ cho bản thân và gia đình.

Người làm chứng của vụ án không nên nghe theo lời của các cá nhân có hành vi xấu nhằm từ chối làm chứng hoặc khai báo sai sự thật trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành giải quyết vụ án dẫn đến oan sai, rồi sau đó vướng vòng lao lý.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào