Tài xế Grab có phải đóng BHXH?
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các trường hợp đóng BHXH như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động 2012 quy định về "Người lao động" như sau:
- Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Như vậy, việc xác định bạn có phải là người lao động để tham gia BHXH theo quy định của pháp luật hay không cần phải xác định HĐLĐ, người trả lương và sự quản lý của người điều hành. Xét thấy việc điền vào mẫu đăng ký để được cấp tài khoản hoạt động của bạn không đủ căn cứ để xác định đây là HĐLĐ. Đồng thời, nguồn thu nhập của bạn đến trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ, không phải từ công ty. Từ đó có thể kết luận bạn không thuộc trường hợp người lao động tham gia BHXH theo quy định của luật.
Tuy nhiên bạn có thể tham khảo và tham gia BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo cho các quyền lợi của mình sau này.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật