Định lại giá tài sản nhằm tăng vốn điều lệ doanh nghiệp
Việc tăng giảm vốn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên được quy định tại Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
1. Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
a) Tăng vốn góp của thành viên;
b) Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.
2. Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 của Luật này. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Công văn 7178/CT-TTHT ngày 27/7/2016, doanh nghiệp không được tăng vốn bằng giá trị chêch lệch tăng của tài sản cố định. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng không có quy định nào cho phép tăng vốn điều lệ bằng cách đánh giá lại tài sản cố định.
Do vậy, công ty không thể thực hiện việc định giá lại tài sản cố định để làm cơ sở tăng vốn điều lệ trong trường hợp này.
Về việc góp vốn có được dùng tiền mặt hay không: có thể đối chiếu với quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC :
1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Như vậy, luật chỉ quy định doanh nghiệp phải góp vốn không bằng hình thức tiền mặt. Từ đó có thể khẳng định việc cá nhân góp vốn bằng tiền mặt là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật