Quy định chi tiết về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia
Căn cứ Điều 20 Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia như sau:
Quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Luật Quy hoạch.
2. Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển:
a) Quan điểm về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
b) Quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường;
c) Xây dựng mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm.
3. Dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển:
a) Dự báo xu thế phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu có tác động đến sự phát triển của quốc gia;
b) Dự báo các tình huống có thể xảy ra do tác động của các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia;
c) Phân tích lợi thế so sánh và cơ hội phát triển, khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của quốc gia;
d) Xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
đ) Xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch.
4. Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội:
a) Xác định vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng;
b) Định hướng phân bố không gian phát triển các ngành mũi nhọn, các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.
5. Định hướng phát triển không gian biển:
a) Xác định không gian biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam có thể đưa vào khai thác, sử dụng trong thời kỳ quy hoạch;
b) Xác định vùng cấm khai thác, vùng khai thác, sử dụng có điều kiện trong phạm vi không gian biển trong thời kỳ quy hoạch;
c) Định hướng sử dụng không gian biển cho các ngành, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển.
6. Định hướng sử dụng đất quốc gia:
a) Xây dựng nguyên tắc định hướng sử dụng đất;
b) Định hướng sử dụng đất đến từng vùng theo các chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu kinh tế, đất đô thị, đất phát triển cơ sở hạ tầng.
7. Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời:
a) Xác định các vùng thông báo bay;
b) Xác định vùng trời khai thác có điều kiện;
c) Xác định vùng trời cấm khai thác và vùng trời cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh.
8. Định hướng phân vùng và liên kết vùng:
a) Xác định các điều kiện, tiêu chí phân vùng và xây dựng phương án phân vùng;
b) Xác định lợi thế so sánh của từng vùng và định hướng phát triển vùng;
c) Đề xuất phương án liên kết về kết cấu hạ tầng và các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
9. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia:
a) Xác định quan điểm, nguyên tắc phát triển đô thị và nông thôn trong thời kỳ quy hoạch;
b) Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn;
c) Định hướng phân bố các vùng đô thị lớn và mối liên kết giữa các vùng đô thị lớn trong toàn quốc;
d) Định hướng phân bố dân cư các vùng lãnh thổ.
10. Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia:
Xác định phương hướng phát triển, phân bố không gian, nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch đối với mạng lưới cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử; mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội và hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mạng lưới cơ sở y tế; hệ thống du lịch; hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; hệ thống kho dự trữ quốc gia.
11. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia:
Xác định phương hướng phát triển, phân bố không gian, nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch đối với mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; kết cấu hạ tầng năng lượng, điện lực, dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt; hạ tầng thông tin và truyền thông; hệ thống công trình phòng, chống thiên tai và hệ thống thủy lợi; hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường; hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.
12. Định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia:
a) Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;
b) Định hướng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản công nghiệp, quặng phóng xạ và khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
13. Định hướng bảo vệ môi trường:
a) Phân vùng môi trường trên địa bàn cả nước;
b) Xác định mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; định hướng các khu vực thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;
c) Định hướng quản lý chất thải cấp quốc gia;
d) Phân bố và tổ chức không gian phát triển các trạm quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia.
14. Định hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu:
a) Xác định các khu vực dễ bị tổn thương do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
b) Phân vùng rủi ro thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn.
15. Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện:
a) Xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch;
b) Luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng cấp quốc gia thời kỳ quy hoạch; đề xuất thứ tự ưu tiên và phân kỳ thực hiện các dự án.
16. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch:
a) Giải pháp về huy động vốn đầu tư;
b) Giải pháp về cơ chế, chính sách;
c) Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ;
d) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực;
đ) Giải pháp về hợp tác quốc tế;
e) Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
17. Xây dựng báo cáo quy hoạch gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch tổng thể quốc gia. Danh mục và tỷ lệ bản đồ quy hoạch tổng thể quốc gia quy định tại mục I Phụ lục I của Nghị định này.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật