Có được kháng cáo bản án phúc thẩm?
Điều 17 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Như vậy, đối với bản án sơ thẩm thì bạn được quyền kháng cáo còn đối với bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực kể từ ngày tuyên án nên bạn không được quyền kháng cáo. Chỉ trừ khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì bản án phúc thẩm mới được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Do đó, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Trân trọng!