Tàu biển thế chấp bị chìm, bảo hiểm chi trả cho ai?
Căn cứ Điều 295 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đối tượng của bảo hiểm tài sản đảm bảo như sau:
Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm
Đồng thời căn cứ Khoản 2 Điều 38 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 về thế chấp tàu biển như sau:
- Tàu biển thế chấp phải được chủ tàu mua bảo hiểm, trừ trường hợp trong hợp đồng thế chấp có thỏa thuận khác.
Như vậy, mua bảo hiểm khi thực hiện thế chấp tàu biển là nghĩa vụ của chủ tàu theo quy định của pháp luật.
Về việc bảo hiểm sẽ chi trả cho ai khi xảy ra thiệt hại cần xác định rõ đây là bảo hiểm gì, phạm vi của bảo hiểm ra sao? Theo như nội dung bạn cung cấp, có thể nhận định đây là bảo hiểm tài sản đảm bảo ( bảo hiểm vật chất thân tàu). Ý nghĩa của bảo hiểm này nhằm mục đích khi tàu bị thiệt hại hoàn toàn thì chủ tàu phải gánh chịu 2 rủi ro trong đó có rủi ro mất khả năng thanh toán với ngân hàng; về phía ngân hàng thì sẽ có khoản nợ xấu mà khả năng cao là không thu hồi được. Vậy nên vai trò của bảo hiểm ở đây nhằm mục đích giảm bớt rủi ro cho cả 2 phía. Như vậy khi xảy ra tai nạn chìm tàu không trục vớt được bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả 1 khoản bồi thường, ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, các khoản chi phí phát sinh, nếu còn dư thì DN của bạn sẽ được nhận.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật