Doanh nghiệp thống lĩnh áp đặt điều kiện cho DN khác có vi phạm pháp luật?

Công ty XNZ sản xuất nội thất gỗ, chiếm 28% thị phần được thành lập bởi 01 ngân hàng nước ngoài. Công ty XNZ được hậu thuẫn bởi năng lực tài chính và kế thừa đội ngũ chuyên gia công nghệ của Ngân hàng. Nhờ công nghệ vượt trội trong lĩnh vực CNTT, công ty XNZ khai thác và nắm bắt được dữ liệu khách hàng rất lớn, dẫn tới khác biệt rõ rệt so với phần còn lại. Công ty XNZ ký kết thỏa thuận với đại lý chuyên phân phối nội thất gỗ Y và yêu cầu Y không được trung bày, bán sản phầm của công ty khác. Xin hỏi, hành vi của công ty XNZ có vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Luật cạnh tranh 2004 về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường như sau:

1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

Đồng thời căn cứ Điều 22 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định cụ thể về doanh nghiệp có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể như sau:

Khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định dựa vào một hoặc một số căn cứ chủ yếu sau đây:

1. Năng lực tài chính của doanh nghiệp.

2. Năng lực tài chính của tổ chức kinh tế, cá nhân thành lập doanh nghiệp.

3. Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp.

4. Năng lực tài chính của công ty mẹ.

5. Năng lực công nghệ.

6. Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

7. Quy mô của mạng lưới phân phối.

Theo như nội dung cung cấp, tuy chỉ chiếm 28% thị phần nhưng DN XNZ có năng lực tài chính của công ty mẹ là ngân hàng và năng lực công nghệ vượt trội, do đó DN XNZ cũng được xếp vào DN thống lĩnh thị trường.

Xét về hành vi của DN XNZ sẽ được điều chỉnh bởi quy phạm dành cho nhóm thống lĩnh thị trường tại quy định của Khoản 5 Điều 13 Luật cạnh tranh 2004 như sau:

Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

Đồng thời căn cứ Khoản 2 Điều 30 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định về hành vi buộc DN khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng như sau:

2. Buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là hành vi gắn việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng với việc phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.

Như vậy, DN XNZ đã vi phạm pháp luật cạnh tranh đối với hành vi buộc DN khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào