Có cần phải có xác nhận không tranh chấp của chú, bác ruột?
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Do đó: Đối với trường hợp mảnh đất này do bố mẹ của bạn mua bằng giấy viết tay trong thời kỳ hôn nhân, nên quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này được xác định là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân.
Đồng nghĩa, trường hợp bố mẹ bạn không có thỏa thuận khác về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, thì mỗi người sẽ có một nửa quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì bố bạn đã mất cách đây 3 năm và không để lại di chúc. Nên di sản thừa kế của bố bạn để lại sau khi chết (trong đó bao gồm một nửa quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mà bố mẹ bạn đã mua trong thời kỳ hôn nhân) sẽ được chia theo pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Những hàng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
(1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
(2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
(3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì ông bà nội mất trước bố bạn lần lượt là 4 năm và 6 năm.
Như vậy: Phần di sản thừa kế của bố bạn để lại sau khi chết (trong đó bao gồm một nửa quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mà bố mẹ bạn đã mua trong thời kỳ hôn nhân) sẽ được chia theo pháp luật cho hững người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm mẹ bạn, bạn và anh, chị, em (con ruột và con nuôi hợp pháp của bố bạn).
Phần di sản thừa kế của bạn bao gồm một nửa quyền sử dụng đất đối với mảnh đất sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn mà chúng tôi đã đề cập ở trên mỗi người một phần bằng nhau.
Đồng nghĩa, anh, em ruột của bố bạn (là chú, bác ruột của bạn) thuộc hàng thừa kế thứ hai nên sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, nên họ không có quyền gì đối với mảnh đất mà bố mẹ bạn đã mua trong thời kỳ hôn nhân.
Do đó: Gia đình bạn không cần phải có sự xác nhận mảnh đất không tranh chấp của chú, bác ruột để đi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ) đối với mảnh đất mà bố mẹ bạn đã mua trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật