Nhận thừa kế nhà, đất phải nộp thuế thế nào?
Thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 thì thu nhập của cá nhân từ thừa kế nhà, đất phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, thu nhập từ nhận thừa kế nhà, đất là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau:
- Quyền sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất;
- Quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai;
- Kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai;
- Quyền thuê đất;
- Quyền thuê mặt nước;
- Các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, trường hợp thu nhập từ nhận thừa kế nhà, đất phát sinh trong các trường hợp sau đây thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân:
- Giữa vợ với chồng;
- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;
- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;
- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;
- Cha vợ, mẹ vợ với con rể;
- Ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;
- Anh chị em ruột với nhau.
(Xem chi tiết tại Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Lệ phí trước bạ (hay còn gọi là thuế trước bạ)
Theo quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ là nhà, đất phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp thuộc diện miễn lệ phí trước bạ.
Do đó: Trường hợp cá nhân có nhận thừa kế nhà, đất theo di chúc hoặc theo pháp luật, khi đi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP thì nhà, đất nhận thừa kế thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ:
Nhà, đất nhận thừa kế giữa những người sau đây:
- Vợ với chồng;
- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;
- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;
- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;
- Cha vợ, mẹ vợ với con rể;
- Ông nội, bà nội với cháu nội;
- Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;
- Anh, chị, em ruột với nhau.
Bạn căn cứ quy được được trích dẫn trên đây để áp dụng cụ thể đối với trường hợp của mình.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật