Thẩm quyền nâng hạng nghề nghiệp viên chức tại đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp và Cục trực thuộc

Trong công tác xét tuyển, nâng hạng nghề nghiệp viên chức thuộc thẩm quyền có sự khác nhau nào giữa thẩm quyền của Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi.

Căn cứ Khoản 5 Điều 5 Quy chế phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 518/QĐ-BTP năm 2019, thẩm quyền của Bộ trưởng trong công tác xét tuyển, nâng hạng nghề nghiệp viên chức có những điểm khác biệt được quy định như sau:

- Quyết định xét chuyển chức danh nghề nghiệp ở hạng I đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và đơn vị sự nghiệp thuộc Cục;

- Phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và đơn vị sự nghiệp thuộc Cục từ hạng II lên hạng I theo quy định của pháp luật; tổ chức thi nâng ngạch công chức theo quy định của pháp luật; phê duyệt danh sách cử công chức, viên chức đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I và danh sách cử công chức tham dự thi nâng ngạch công chức lên ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương do các Bộ, ngành khác tổ chức;

Cũng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Quy chế phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 518/QĐ-BTP năm 2019, thẩm quyền của Thứ trưởng phụ trách đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ được quy định như

- Quyết định xét chuyển chức danh nghề nghiệp ở hạng II đối với viên chức đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, trừ Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ quản lý về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II; cử công chức, viên chức đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II do các Bộ, ngành tổ chức; bổ nhiệm và xếp lương sau khi có kết quả thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II;

- Phê duyệt kế hoạch và kết quả thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III; bổ nhiệm và xếp lương sau khi có kết quả thi hoặc xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đồng thời căn cứ Khoản 3 Điều 7 Quy chế phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 518/QĐ-BTP năm 2019, thẩm quyền của Thứ trưởng phụ trách đơn vị sự nghiệp thuộc Cục được quy định như sau: Quyết định xét chuyển chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng đối với viên chức đơn vị sự nghiệp thuộc Cục như quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 6 Quy chế này.

Như vậy, xét tuyển chức danh nghề nghiệp ở hạng I, nâng hạng nghề nghiệp viên chức từ hạng II lên I thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Xét tuyển chức danh nghề nghiêp ở hạng II, nâng hạng từ III lên II, từ IV lên III thuộc thẩm quyền Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào