Giải đáp thắc mắc xung quanh việc xuất cảnh sang Mỹ
- Theo quy định của pháp luật về di dân của Hoa Kỳ, trình tự, thủ tục để cấp thị thực áp dụng đối với diện di dân của những thành viên trực hệ và thân nhân của công dân Hoa Kỳ và của thường trú nhân như sau:
Bước 1: Người bảo lãnh ở Hoa Kỳ mở hồ sơ bảo lãnh tại Sở Di trú và nhập tịch (USCIS) nơi họ đang cư trú.
Bước 2: Khi USCIS chấp thuận hồ sơ bảo lãnh, USCIS sẽ gửi cho người bảo lãnh “thông báo chấp thuận bảo lãnh, mẫu đơn I-797”. Sau đó USCIS sẽ chuyển hồ sơ được chấp thuận đến Trung tâm Chiếu kháng quốc gia (NVC) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để tiếp tục tiến trình giải quyết hồ sơ.
NVC sẽ gửi hồ sơ hướng dẫn đến đương đơn, người bảo lãnh hay đại diện hợp pháp của đương đơn hoặc người bảo lãnh. NVC cũng sẽ kiểm tra sơ về giấy cam kết bảo trợ tài chính Mẫu I-864 và thu lệ phí xin thị thực từ người bảo lãnh tại Hoa Kỳ.
Bước 3: Khi hồ sơ sắp đến lượt được giải quyết và NVC đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, NVC sẽ thông báo cho đương đơn và chuyển hồ sơ bảo lãnh về bộ phận lãnh sự tại cơ quan lãnh sự.
Bước 4: Khi cơ quan lãnh sự nhận được hồ sơ gốc được chuyển từ NVC sẽ hoàn tất một số thủ tục và lên lịch phỏng vấn cho đương đơn. Tuy nhiên, đối với các hồ sơ xin định cư theo diện (F), chỉ đến khi hồ sơ đến lượt được giải quyết thì đương đơn mới được xếp lịch phỏng vấn.
Bước 5: Cơ quan lãnh sự gửi thư mời phỏng vấn để thông báo lịch phỏng vấn và hướng dẫn đương đơn thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cũng như chuẩn bị những giấy tờ cần thiết cho buổi phỏng vấn. Đương đơn phải hoàn tất việc kiểm tra sức khỏe và chuẩn bị giấy tờ được yêu cầu trước buổi phỏng vấn.
Bước 6: Đương đơn đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ để phỏng vấn theo ngày được ghi trong thư mời. Nếu đương đơn hội đủ điều kiện để được cấp thị thực tại buổi phỏng vấn, thông thường thị thực sẽ được cấp vào ngày làm việc tiếp theo.
Để được cấp thị thực di dân vào Hoa Kỳ theo diện quan hệ trực hệ và quan hệ gia đình, mỗi đương đơn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ cần thiết sau và phải đem theo tất cả giấy tờ này khi đi phỏng vấn (phỏng vấn tại Lãnh sự quán Hoa kỳ tại TP.HCM):
- Đơn bảo lãnh I-130 chấp thuận bởi USCIS, đơn này do USCIS chuyển thẳng về lãnh sự quán;- Thư mời phỏng vấn;
- Chứng từ nộp lệ phí thị thực (người bảo lãnh tại Hoa Kỳ nộp lệ phí thị thực);- 4 ảnh màu làm thị thực;
- Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản chính và bản photocopy);- Hộ chiếu còn hiệu lực ít nhất tám tháng sau ngày cấp thị thực (bản chính và một bản photocopy);
- Mẫu đơn DS-230 Phần I & Phần II, đơn xin thị thực nhập cư và đăng ký ngoại kiều;- Bảng theo dõi chích ngừa của Trung tâm Kiểm dịch TP.HCM;
- Kết quả khám sức khỏe tại Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Tổ chức Di dân quốc tế (IOM);- Giấy khai sinh của mỗi đương đơn và người bảo lãnh (bản chính và bản sao);
- Hôn thú, nếu có (bản chính và bản photocopy);- Giấy ly hôn hoặc giấy chứng tử của vợ hoặc chồng cũ, nếu có (bản chính và bản photocopy);
- Giấy xác nhận độc thân cho tất cả đương đơn nữ từ 18 tuổi trở lên và nam từ 20 tuổi trở lên còn độc thân, hoặc đã ly dị, góa vợ, góa chồng (bản chính); - Nếu đương đơn có con nhỏ dưới tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) xin thị thực cùng với đương đơn nhưng còn cha hoặc mẹ ở lại Việt Nam, đương đơn cần phải cung cấp giấy chấp thuận cho con xuất cảnh sang Hoa Kỳ của người cha hoặc mẹ đó;
- Lý lịch tư pháp cho mỗi đương đơn từ 16 tuổi trở lên được cấp trong vòng một năm;- Giấy chứng nhận do cảnh sát nước ngoài cấp cho các đương đơn từ 16 tuổi trở lên từng sống ở nước ngoài trên một năm;
- Giấy tờ liên quan đến tòa án hoặc tiền án (nếu có);- Hồ sơ quân đội (nếu có);
- Bộ bảo trợ tài chính mẫu I-864 (bản gốc và được ký bởi người bảo lãnh, phải được thị thực trong vòng không quá một năm trước ngày phỏng vấn và kèm theo một bản photocopy) và chứng từ về tài chính (chứng từ thuế của ba năm gần nhất và giấy chứng nhận việc làm được ký trong vòng một năm (trên giấy có tiêu đề của công ty) hoặc giấy phép kinh doanh còn hiệu lực;
- Nếu đương đơn có người đồng tài trợ, người đồng tài trợ phải nộp toàn bộ giấy tờ như người bảo lãnh và thêm bằng chứng người đồng tài trợ là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân ở Hoa Kỳ như giấy khai sinh ở Hoa Kỳ, giấy chứng nhận nhập quốc tịch Hoa Kỳ hoặc thẻ xanh;
- Toàn bộ bằng chứng chứng minh mối quan hệ của đương đơn với người bảo lãnh và với các thành viên trong gia đình đi cùng.
Theo quy định tại Điều 22 Luật cư trú năm 2006, khi bạn xuất cảnh định cư tại Hoa Kỳ, bạn không được giữ đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM.
Điều 3 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định: Công dân Việt Nam mang hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu phổ thông…) được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu của Việt Nam.
Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP quy định: công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, bạn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp hộ chiếu, có thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ và không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP thì bạn mới được phép xuất cảnh.
Trường hợp bạn có một khoản vay trả góp mua nhà, trước khi xuất cảnh bạn phải thông báo và thỏa thuận với tổ chức tín dụng cho vay có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng tín dụng khi bạn xuất cảnh hay không. Nếu hợp đồng tín dụng không có tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ, bạn bắt buộc phải hoàn tất nghĩa vụ tài chính trả nợ cho tổ chức tín dụng mới được phép xuất cảnh.
Thư Viện Pháp Luật