Thẩm quyền huy động Lực lượng dự bị động viên
Căn cứ Điều 19 Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996, Lực lượng dự bị động viên được huy động theo thẩm quyền thay đổi tùy vào từng trường hợp cụ thể sau:
- Chính phủ quyết định huy động số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật và quyết định chuyển giao số lượng phương tiện kỹ thuật thuộc dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng;
- Căn cứ quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh huy động các đơn vị dự bị động viên ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Quyền gọi quân nhân dự bị nhập ngũ thực hiện theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự và Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Căn cứ quyết định của Chính phủ, lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định điều động phương tiện kỹ thuật trong đơn vị dự bị động viên do cơ quan mình xây dựng;
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh điều động số lượng phương tiện kỹ thuật trong đơn vị dự bị động viên do địa phương mình xây dựng; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định điều động từng phương tiện kỹ thuật;
+ Thẩm quyền trưng mua, trưng dụng phương tiện kỹ thuật thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Điều 20 Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996 có quy định thêm:
- Chính phủ quy định các trường hợp cụ thể được huy động lực lượng dự bị động viên để tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội; quy định thẩm quyền, thời hạn, số lượng đơn vị dự bị động viên được huy động làm nhiệm vụ nói tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh này.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật