Vốn điều lệ có phải là vốn pháp định?
Theo ghi nhận của chúng tôi thì pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể khái niệm như thế nào là vốn pháp định.
Tuy nhiên, căn cứ vào một số quy định cụ thể của pháp luật có đề cập liên quan đến vốn pháp định, thì chúng ta có thể hiểu vốn pháp định là mức vốn tối thiểu mà tổ chức, cá nhân phải có để thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đối với một số ngành nghề mà pháp luật quy định bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định.
Vốn pháp định sẽ được xác định theo từng ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp.
Các ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định có thể kể đến như sau:
- Kinh doanh bất động sản: Mức vốn tối thiểu là 20 tỷ đồng (Nghị định 76/2015/NĐ-CP);
- Cho thuê lại lao động: Mức vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng (Nghị định 55/2013/NĐ-CP);
- Kinh doanh dịch vụ môi giới chứng khoán: Mức vốn tối thiểu là 25 tỷ đồng ( Nghị định 86/2016/NĐ-CP, Nghị định 58/2012/NĐ-CP);
-...
Còn về vốn điều lệ, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì vốn điều lệ là:
- Tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; hoặc
- Tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Như vậy: Có thể hiểu vốn điều lệ chính là số tiền mà thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Qua đó: Có thể xác định vốn điều lệ và vốn pháp định không phải là một, đây là hai loại vốn mà những người thành lập doanh nghiệp cần quan tâm khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ là do người thành lập doanh nghiệp đăng ký tự do, còn vốn pháp định là do pháp luật yêu cầu người thành lập doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ tối thiểu ở mức đó.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật