Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam
Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 92/2000/QĐ-NHNN về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt đối với cá nhân xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc giấy chứng minh biên giới do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, có quy định về vấn đề bạn thắc mắc như sau:
- Cá nhân có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam theo quy định tại Điều 5 Quyết định này:
+ Được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc giấy chứng minh biên giới;
+ Có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài (đối với cá nhân là công dân Việt Nam) hoặc có thu nhập hợp pháp tại Việt Nam (đối với cá nhân là công dân nước có chung biên giới).
- Cá nhân đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này có nhu cầu mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam vượt mức quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu hoặc vượt quá số mang vào đã kê khai Hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép đến Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh hoặc Chi nhánh Ngân hàng thương mại được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh uỷ quyền. Hồ sơ gồm:
+ Đơn xin cấp giấy phép mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam ra nước ngoài (Phụ lục 1);
+ Bản sao giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc giấy chứng minh biên giới;
+ Các giấy tờ có liên quan đến nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài (đối với cá nhân là công dân Việt Nam) hoặc có các giấy tờ chứng minh thu nhập hợp pháp tại Việt Nam (đối với cá nhân là công dân nước có chung biên giới).
Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh hoặc Chi nhánh Ngân hàng thương mại được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh uỷ quyền phải cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép (theo mẫu giấy phép quy định tại Phụ lục 2). Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh hoặc Chi nhánh Ngân hàng thương mại được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh uỷ quyền phải có văn bản giải thích lý do.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật