Hợp đồng khoán việc có được đóng BHXH, BHYT không?
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là người lao động) thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm y tế.
Trong đó, theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Như vậy: Có thể thấy hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Khi đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải đáp ứng các điều kiện của công việc nhất định theo yêu cầu của người sử dụng lao động, được trả lương khi làm việc và có các quyền và nghĩa vụ cụ thể theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì trên thực tế, hợp đồng giao khoán công việc là sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng. Theo đó, bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định là đối tượng thực hiện của hợp đồng khoán việc, sau khi hoàn thành công việc, bên nhận khoán phải bàn giao lại cho bên giao khoán kết quả công việc đã được hiện. Sau khi nhận được kết quả công việc đã thực hiện, bên giao khoán công việc có nghĩa vụ trả cho bên nhận khoán thù lao mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng giao khoán.
Trên thực tế, hiện nay, hợp đồng giao khoán công việc có thể được phân thành hai loại cụ thể như sau:
(1) Hợp đồng giao khoán công việc toàn bộ: Là hợp đồng mà trong đó, bên giao khoán trao cho bên nhận khoán toàn bộ chi phí, bao gồm cả chi phí vật chất lẫn chi phí lao động có liên quan đến các hoạt động để hoàn thành công việc.
(2) Hợp đồng giao khoán công việc từng phần: Là hợp đồng mà trong đó, người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động. Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động.
Hợp đồng giao khoán công việc được giao kết đối với những công việc mang tính thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định.
Qua đó: Có thể thấy hợp đồng giao khoán công việc không được xác định là một loại hợp đồng lao động nên không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động 2012 và các quy định pháp luật khác liên quan đến hợp đồng lao động.
Đồng nghĩa, người làm việc theo hợp đồng giao khoán công việc không phải là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Như vậy: Có thể xác định người làm việc theo hợp đồng giao khoán công việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng như bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.
Đồng nghĩa, trong trường hợp giao kết hợp đồng giao khoán công việc thì các bên không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế theo quy định.
Do đó: Đối với trường hợp bạn làm việc thu gom hồ sơ từ trung tâm hành chính tỉnh đến các sở và ngược lại cho bưu điện nhưng chỉ ký hợp đồng thuê khoán công việc thì bạn và bưu điện không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế.
Nên việc bên bưu điện không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế trong trường hợp này là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật