Không có biên bản hòa giải, Tòa có thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai?
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì về nguyên tắc tranh chấp sẽ được giải quyết như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
(Trên đây là nội dung tóm tắt, xem chi tiết quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013).
Như vậy: Căn cứ nội dung trích dẫn trên đây thì có thể xác định để khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân hoặc khiếu nại yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thì trước hết cần phải đáp ứng được điều kiện bắt buộc là tranh chấp đất đai đó đã được hòa giải tại cơ sở (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất) nhưng không thành.
Trường hợp, tranh chấp đất đai chưa được hòa giải tại cơ sở thì Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân có thẩm quyền sẽ không thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai đó theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại cơ sở nhưng không thành, mà người sử dụng đất muốn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thì cần phải nộp kèm theo đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai các loại giấy tờ sau đây:
- Các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp;
- Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;
- Biên bản hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Các giấy tờ liên quan khác.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì gia đình bạn có tranh chấp đất đai đã hòa giải ở phường, mà gia đình hàng xóm không thiện chí, đã hòa giải hai lần nhưng khi kết thúc không nhận được biên bản hòa giải không thành.
Đồng nghĩa, gia đình bạn không có giấy tờ chứng minh vụ việc tranh chấp đất đai của gia đình đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Do đó: Chưa đủ cơ sở để Tòa án nhân dân thụ lý giải quyết đối với đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai cỉa gia đình bạn.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì trường hợp tranh chấp đất đai đã được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thì việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp hòa giải không thành thì Ủy ban nhân dân phải cấp cho các bên tranh chấp một biên bản có xác nhận hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp thì vụ việc tranh chấp đất đai của gia đình bạn đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường không thành mà gia đình không nhận được biên bản hòa giải không thành là không phù hợp.
Do đó: Gia đình có thể liên hệ với Ủy ban nhân dân phương để yêu cầu cung cấp biên bản có xác nhận hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã và có chữ ký của các bên tranh chấp theo quy định của pháp luật để gia đình bạn có thể đảm bảo đủ các điều kiện để khởi kiện yêu cầu giải quyết ra Tòa án.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật