Công dân nước ngoài nên khó được thi hành án?

Tôi định cư tại Mỹ, có quốc tịch gốc VN, là đương sự được thi hành án (THA) dân sự số tiền 185.000 USD từ 14-4-2008. Do là công dân nước ngoài nên tôi bị ông trưởng bộ phận THA ém hồ sơ, bao che để người bị THA tẩu tán tài sản. Tôi muốn có một thừa phát lại giúp tôi giải quyết vụ THA này, xin hỏi cách ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và thù lao?

 

Theo quy định của pháp luật về THA dân sự hiện hành, người được THA là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành (khoản 2, khoản 3 điều 3 Luật THA dân sự năm 2008). Như vậy, pháp luật không có sự phân biệt về việc THA giữa người được THA là người VN và người nước ngoài.

Theo điều 30 Luật THA dân sự, trong thời hạn năm năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự ra quyết định THA. Theo thư ông trình bày, ông đã có đơn nhưng bị cơ quan THA cố tình không giải quyết. Như vậy, ông có quyền làm đơn khiếu nại gửi thủ trưởng cơ quan THA. Trong trường hợp thủ trưởng cơ quan THA không chịu giải quyết trong thời hạn luật định hoặc ra văn bản giải quyết mà ông vẫn không đồng ý, ông có thể tiếp tục khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan THA cấp trên trực tiếp.

Với câu hỏi thứ hai của ông, nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.HCM (có hiệu lực vào ngày 9-9-2009) quy định thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về THA dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. Chi phí thực hiện công việc của thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa văn phòng thừa phát lại và người yêu cầu.

Như vậy hiện nay pháp luật chưa có quy định mức chi phí cụ thể để thực hiện dịch vụ thừa phát lại, mà người yêu cầu và văn phòng thừa phát lại có thể thỏa thuận thù lao. Ngoài ra hai bên có thể thỏa thuận thêm các khoản chi phí thực tế phát sinh như: đi lại, phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; tiền bồi dưỡng người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có). Tuy nhiên hiện nay trên thực tế chưa có văn phòng thừa phát lại nào hoạt động.

Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2009 TP.HCM sẽ cho phép thành lập năm văn phòng thừa phát lại, đến cuối năm 2010 sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện thí điểm thừa phát lại.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào