Có được hưởng chế độ thai sản khi công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội
Tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014, có quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Người lao động sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Và theo quy định tại Mục 3 Công văn 856/LĐTBXH-BHXH năm 2013 vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành. Có hướng dẫn.
Đối với các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội thì cho phép doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và chốt sổ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định.
=> Như vậy theo quy định trên thì nếu bạn đóng đủ bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước sinh sẽ đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh. Vậy nên bạn sẽ phải đợi công ty đóng hết khoản nợ bảo hiểm xã hội của bạn để được hưởng chế độ theo quy định. Và bên cạnh đó bạn phải đáp ứng các điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy nên bạn có thể yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên thực hiện đóng bảo hiểm cho mình theo đúng quy định công văn trên để được nhận trợ cấp thai sản trong thời gian sớm nhất.
Vì thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi không nêu rõ bạn tham gia từ thời điểm nào, thời điểm nào bạn nghỉ sinh để hưởng chế độ và công ty nợ bảo hiểm xã hội của bạn từ thời điểm nào. Nên rất tiếc chúng tôi chỉ tư vấn được cho bạn như vậy.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật