Nguyên tắc tạm ứng vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Nguyên tắc tạm ứng vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 52/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư 108/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 08/2016/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
- Đối với các công việc thực hiện thông qua hợp đồng, bên giao thầu (chủ đầu tư) tạm ứng vốn cho bên nhận thầu (nhà thầu) để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng và các nội dung khác để đảm bảo việc thu hồi tạm ứng do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu theo đúng quy định và phải được quy định rõ trong hợp đồng.
- Việc tạm ứng vốn được thực hiện sau khi hợp đồng có hiệu lực, đồng thời chủ đầu tư đã nhận được bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu (đối với trường hợp phải có bảo lãnh tạm ứng) với giá trị tương đương của khoản tiền tạm ứng. Riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng, nếu có giải phóng mặt bằng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
- Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại điểm a, khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
- Căn cứ vào nhu cầu tạm ứng vốn chủ đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng không vượt mức vốn tạm ứng theo quy định của hợp đồng và mức vốn tạm ứng quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính; trường hợp kế hoạch vốn bố trí trong năm không đủ mức vốn tạm ứng theo hợp đồng thì chủ đầu tư được tạm ứng tiếp trong kế hoạch năm sau.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm cùng với nhà thầu tính toán mức tạm ứng hợp lý tuân thủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính, quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng theo quy định.
- Đối với các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng, việc tạm ứng vốn được thực hiện sau khi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu tạm ứng vốn, chủ đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần đảm bảo không vượt mức vốn tạm ứng tối đa theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính. Trường hợp kế hoạch vốn bố trí trong năm không đủ mức vốn tạm ứng tối đa so với dự toán được duyệt thì chủ đầu tư được tạm ứng tiếp trong kế hoạch năm sau”
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật