Bị sa thải do ăn cắp vật tư, có được chốt sổ bảo hiểm?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
(1) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
(2) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
(3) Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì trong quá trình làm việc cho công ty xây dựng theo hợp đồng lao động được ký kết có thời hạn 02 năm, bạn đã ăn cắp vật tư xây dựng của công ty để mang ra ngoài bán lấy tiền tiêu dùng cá nhân với số tiền khoản 02 triệu đồng.
Do đó: Việc công ty căn cứ vào hành vi trộm cắp vật tư của bạn để xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức xử ký kỷ luật sa thải đối với bạn trong trường hợp này là phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 thì trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.
Do đó: Hợp đồng lao động giữa bạn với công ty sẽ chấm dứt kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật sa thải có hiệu lực.
Mặt khác, Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận (hay còn gọi là chốt sổ bảo hiểm xã hội) và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Do đó: Đối với trường hợp bạn bị công ty sa thải do trộm cắp vật tư xây dựng của công ty để mang ra ngoài bán lấy tiền tiêu dùng cá nhân, thì sau khi sa thải công ty có trách nhiệm chốt và trả lại sổ bảo hiểm cho bạn trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày sa thải. Khi đó, bạn liên hệ với công ty để nhận lại sổ bảo hiểm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật