Xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba

Tôi có người bạn thân cần vốn làm ăn, vì quen thân nên vợ chồng tôi quyết định cho cậu ấy mượn căn nhà của vợ chồng tôi để thế chấp ngân hàng. Cả ba bên có thỏa thuận về mức lãi suất ngân hàng và thời hạn trả nợ, nếu bạn tôi không trả được nợ thì vợ chồng tôi sẽ dùng tài sản đảm bảo của mình là căn nhà để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn tôi. Các bên đều ký vào hợp đồng vay cũng như hợp đồng thế chấp trên. Nay vì công việc làm ăn không thuận lợi nên bạn tôi đã bỏ trốn. Vợ chồng tôi có nhận được thông báo bên ngân hàng theo đó nếu không thanh toán khoản nợ trên thì ngân hàng sẽ thu hồi và phát mại bán đấu giá ngôi nhà của vợ chồng tôi. Vậy Ban biên tập cho hỏi, Ngân hàng làm vậy có đúng không? 

Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP, có quy định.

Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng quyền sử dụng đất của mình, dùng uy tín hoặc cam kết thực hiện công việc đối với bên nhận bảo đảm để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người khác, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp. Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn là bên thứ ba đã dùng tài sản của bạn là căn nhà của gia đình bạn để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người bạn. Việc này bạn đã biết và hoàn toàn đồng ý với thỏa thuận của Ngân hàng và phía người bạn, bạn cũng đã ký vào hợp đồng thỏa thuận giữa các bên.

Vì vậy, bạn đã công nhận cũng như đồng ý với những thỏa thuận của các bên, điều này dẫn đến việc phát sinh trách nhiệm của bạn trong trường hợp người bạn không thực hiện hoặc không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng.

Vậy nên việc ngân hàng xử lý như vậy là đúng quy định.

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào