Xây dựng hồ sơ cán bộ, công chức ngành Tòa án mới được tuyển dụng được quy định ra sao?
Xây dựng hồ sơ cán bộ, công chức ngành Tòa án mới được tuyển dụng được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Quyết định 336/QĐ-TANDTC năm 2014 về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, cụ thể như sau:
Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, Vụ Tổ chức -Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao (hoặc Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm hướng dẫn công chức kê khai; tổ chức thẩm tra, xác minh tính trung thực của các thông tin do công chức kê khai, đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng và Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp và báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh) để xác nhận, đóng dấu và đưa vào hồ sơ quản lý. Đồng thời, hướng dẫn công chức hoàn chỉnh các thành phần hồ sơ gốc, bao gồm:
a) Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức” là tài liệu chính và bắt buộc có trong thành phần hồ sơ cán bộ, công chức; phản ánh toàn diện về bản thân, các mối quan hệ gia đình, xã hội của cán bộ, công chức. Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức” do cán bộ, công chức tự kê khai và được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức thẩm tra, xác minh, chứng nhận. Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức” theo mẫu 1a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định số 06.
b) Bản “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức” là tài liệu quan trọng phản ánh tóm tắt về bản thân cán bộ, công chức; các mối quan hệ gia đình và xã hội của cán bộ, công chức. Sơ yếu lý lịch do cán bộ, công chức tự kê khai hoặc do người có trách nhiệm ghi từ “Quyển lý lịch cán bộ, công chức” và các tài liệu bổ sung khác của cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức xác minh, chứng nhận. Bản “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức” theo mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02.
c) Bản “Tiểu sử tóm tắt” là tài liệu được trích từ “Quyển lý lịch cán bộ, công chức” do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tóm tắt, xác nhận và đóng dấu để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức khi có yêu cầu. Bản “Tiểu sử tóm tắt” theo mẫu 3a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định số 06.
d) Các giấy tờ: Bản sao Giấy khai sinh gốc có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền; Giấy chứng nhận sức khỏe do đơn vị y tế từ cấp huyện trở lên cấp; các loại giấy tờ có liên quan đến trình độ đào tạo của cán bộ, công chức do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận (như: Bảng điểm; văn bằng; chứng chỉ về trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ). Trường hợp, văn bằng chứng chỉ được cấp bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt theo quy định của pháp luật và có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
đ) Các quyết định tuyển dụng hoặc xét tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật