Dự án đang thi công có được thuê nhà thầu phụ khác?
Theo quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì tổng thầu, nhà thầu chính (gọi tắt là nhà thầu chính) được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Trong đó:
- Nhà thầu chính được hiểu là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh.
- Nhà thầu phụ được hiểu là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ đặc biệt là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do nhà thầu chính đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì một hợp đồng thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ. Khi ký hợp đồng thầu phụ, nhà thầu chính hoặc nhà thầu nước ngoài phải thực hiện theo các quy định sau:
- Chỉ được ký kết hợp đồng thầu phụ đúng với năng lực hành nghề, năng lực hoạt động của nhà thầu phụ.
- Nhà thầu nước ngoài khi thực hiện hợp đồng xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam với vai trò là nhà thầu chính phải sử dụng nhà thầu phụ trong nước đáp ứng được các yêu cầu của gói thầu và chỉ được ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ nước ngoài khi các nhà thầu phụ trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Đối với các vật tư, thiết bị tạm nhập tái xuất phải được quy định cụ thể trong hợp đồng theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng các vật tư, thiết bị trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
- Đối với các nhà thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thì phải được chủ đầu tư chấp thuận.
- Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sai sót của mình và các công việc do các nhà thầu phụ thực hiện.
- Nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì nhà thầu chính chỉ được ký hợp đồng nhà thầu phụ đối với các nhà thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thầu chính khi được chủ đầu tư chấp thuận.
Do đó: Đối với trường hợp công ty là nhà thầu chính có ký hợp đồng với một số nhà thầu phụ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng có nhà thầu phụ không đáp ứng tiến độ và chỉ thực hiện được một phần của hợp đồng. Công ty đã thanh lý hợp đồng với nhà thầu phụ đó. Nay công ty muốn ký hợp đồng với một nhà thầu phụ khác để thực hiện phần còn lại thì thực hiện như sau:
- Trường hợp 1: Nếu nhà thầu phụ mà công ty đang sự định ký hợp đồng thầu phụ đã có trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thầu chính thì công ty có thể tự do ký kết mà không cần phải xin ý kiến của chủ đầu tư.
- Trường hợp 2: Nếu nhà thầu phụ mà công ty đang sự định ký hợp đồng thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thầu chính thì công ty chỉ được ký hợp đồng với nhà thầu khi khi đã tham khảo và được chủ đầu tư chấp thuận.
Tuy nhiên, công ty cần lưu ý nhà thầu phụ phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện năng lực để thực hiện các công việc được giao theo đúng quy định và công ty vẫn phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn và các nghĩa vụ khác đối với các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật